1. Hít từ từ bằng mũi. Đẩy không khí vào phần đáy phổi trước, sau đó đến phần giữa phổi và cuối cùng đến phần trên phổi. Đồng thời đẩy bụng ra phía ngoài.
2. Giữ lượng không khí hít vào trong 5 giây.
3. Sau đó nén bụng vào, đồng thời thở ra từ từ cho đến khi thở ra hết.
4. Khi phổi rỗng hoàn toàn, nghỉ tiếp 5 giây rồi làm lại từ đầu.
5. Làm bài tập này nhiều lần trong ngày với các tư thế ngồi, nằm và đứng.
· Luyện tập nhóm cơ mặt tham gia vào hoạt động nói:
Những người làm công việc thường xuyên phải nói cũng cần tập luyện các cơ trên mặt tham gia vào quá trình nói. Một bài tập rất đơn giản, để thực hiện là “ăn bánh tưởng tượng”. Ta tưởng tượng đang ngậm một cái bánh rất to trong miệng và khi nhai bánh phải có tiếng động ồm oàm.
· Giữ thanh quản ở vị trí thẳng đứng:
Trong khi nói, chúng ta phải lưu ý đến việc giữ vị trí tối ưu cho thanh quản. Hãy tưởng tượng thanh quản như một cái vòi cao su gắn vào phổi là một quả bóng đựng đầy nước. Khi bóp quả bóng, nếu cái vòi cao su được giữ thẳng thớm thì nước từ vòi trào ra sẽ được mạnh mẽ, dễ dàng. Nếu cái vòi bị vẹo đi, nước sẽ ra ít hơn, khó hơn. Khi ta nói, phổi ép hơi vào thanh quản tạo ra tiếng nói. Nếu luôn giữ cho thanh quản ở vị trí đứng thẳng, không bị bóp méo, vẹo vọ thì không khí trong đó được thổi đi dễ dàng hơn – ta nói tròn giọng hơn, dễ dàng hơn và đỡ mất sức. Vì thế, khi nói ta cố giữ tư thế thẳng đầu, tránh cúi đầu về phía trước hay ngả về phía sau. Chúng ta dễ thấy tình trạng một người nào đó khi tranh luận gay gắt thường vươn cổ về phía trước làm thanh quản bị cong, và kết quả là họ bị lạc giọng.
Không khí trong thanh quản cũng lưu thông khó khăn hơn nếu khi nói ta kéo vai về phía sau và ưỡn ngực ra phía trước. Khi đó, nếu ta nói càng to, giọng nói càng có vẻ bị gò ép hơn. Vì vậy, dựa vào tư thế và giọng nói, ta có thể nhận ra ai đó không muốn trao đổi theo hướng hợp tác nữa mà là đang thích tranh luận.
Tóm lại, để việc nói đạt hiệu quả tốt, ta nhất thiết phải giữ cơ thể ở tư thế thẳng, thoải mái. Làm được như vậy ta mới có một giọng nói tròn trịa và tràn đầy năng lượng.
· Âm lượng:
Không có một quy định chung cho âm lượng giọng nói. Khi phải nói trong một phòng lớn, ta nên thử giọng trước xem người ngồi ở hàng sau cùng có nghe được không. Nguyên tắc là ai đó có giọng rõ ràng thì người nghe sẽ dễ tiếp nhận hơn nhiều, và vì thế mà không cần phải nói to. Chúng ta có thể dùng giọng nói một cách biến hóa, ví dụ như nói lúc to, lúc nhỏ, khi cao giọng, lúc trầm giọng, khi sôi nổi, lúc chậm rãi. Không gì chán hơn một bài diễn thuyết được đọc hoặc trình bày bằng một giọng đều đều như ru ngủ. Ai không tự tin thường hạ giọng và rụt rè. Hãy khắc phục điểm yếu đó, vì không gì làm cho người nghe mất lòng tin hơn một diễn giả rụt rè, ngượng nghịu.
· Chăm sóc giọng nói:
Hãy chăm sóc giọng nói của mình trước mỗi lần diễn thuyết. Một giọng nói yếu, mệt cần nghi ngơi và tăng cường độ ẩm, ví dụ như một ngụm nước ấm hoặc ly trà nóng.
Chúng ta cũng cần luyện nói cho tốt và đỡ mất sức.
Bài tập luyện nói: Ta nói 3 tà Bri/Bra/Bru như sau: từ Bri nói đến họng, từ Bra kéo dài ra đến ngực và từ Bru kéo dài tiếp xuống đến bụng.
· Tốc độ và quẵng nghỉ:
Khi trình bày, ta cần nói chậm và rõ ràng. Trong một bài nói, ta cần có những quảng nghỉ – vừa để giọng nói của ta hồi phục, vừa tạo không khí hồi hộp, chờ đợi trước khi đề cập đến nội dung quan trọng nhất của bài hoặc trước khi bước vào nội dung mới.