Chào bạn, có bao giờ bạn thắc mắc rằng: Tại sao khi tay mình chạm phải nước nóng hay vật gì đó nóng thì tay của mình sẽ vội vàng rụt lại thật nhanh mà không cần suy nghĩ?
Câu trả lời chính là Não đã xử lý thông tin và ra lệnh cho tay của chúng ta phản ứng như vậy.
Hãy cùng Viện Đào Tạo Giọng Nói Thần Kỳ tìm hiểu thêm những điều thú vị về bộ não nhé.
Các bạn thân mến, mỗi vùng của não bộ chúng ta lại có 1 chức năng riêng biệt, với nhiệm vụ điều khiển chức năng ngôn ngữ thì não lại đóng 1 vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp của mỗi người.
Trước tiên, não là nơi lưu trữ tất cả các thông tin, hình ảnh, kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân. Não cảm nhận thế giới xung quanh thông qua năm giác quan và lưu trữ nó lại thành những mảng ký ức.
Ví dụ khi bạn giao tiếp với 1 ai đó, não của bạn sẽ có những cảm nhận và lưu lại những thông tin về người đó như: tên tuổi, nghề nghiệp, thói quen, sở thích, đặc điểm nhận dạng cơ thể…. Đến khi chúng ta gặp lại hoặc nghe ai nhắc về người đó thì mọi thông tin mà chúng ta lưu trữ sẽ xuất hiện, nó sẽ giúp chúng ta cảm thấy thân quen hơn, chúng ta cũng sẽ có cách nói chuyện gần gũi hơn, từ đó tâm lý trong giao tiếp của chúng ta sẽ vững vàng hơn.
Tuy nhiên quá trình lưu trữ này cũng còn tùy thuộc vào tần suất chúng ta tiếp xúc hay nghĩ về người đó, tức là nếu chúng ta quan sát nhiều thì thông tin lưu trữ sẽ đầy đủ và đa dạng hơn. Đồng thời, trí nhớ con người không phải lúc nào cũng là vô hạn, để có thể nhớ lâu, bạn cần phải lặp đi lặp lại những thông tin đó để tạo thành “vết rãnh sâu” trên bộ não của mình.
Ví dụ trong 1 trận đấu bóng đá của Việt Nam với nước ngoài, khi tiếng nhạc Quốc ca vang lên thì tất cả chúng ta có thể hát theo lời bài hát 1 cách dễ dàng, không cần phải suy nghĩ, đó là bởi vì trước đó từ nhỏ chúng ta đã được học về lời bài hát và nghe nhiều lần nên đã trở nên thuộc lòng.
Chính vì vậy, khi giao tiếp với người khác để Não có thể lưu trữ nhiều thông tin về đối tượng giao tiếp, và tạo được nhiều ấn tượng cho người khác, bạn hãy thực sự tập trung và lặp lại điều mà chúng ta muốn nhớ.
Thứ 2, não có thể chi phối hết suy nghĩ và cả hành động của chúng ta. Não có khả năng ghi nhớ và có tính logic cao nên nếu chúng ta lặp đi lặp lại 1 hành động nào đó, thì Não sẽ hình thành nên 1 thói quen tương ứng.
Chẳng hạn chúng ta hay có thói quen sợ khi gặp người lạ thì khi gặp người lạ, Não sẽ điều khiển các cơ quan khác phản ứng theo thói quen “sợ” mà Não đã được ghi nhận từ trước. Ví dụ lúc đó miệng chúng ta có thể mấp máy, chân tay run, hay tim thì đập nhanh.
Vì vậy, để có thể ăn nói được trôi chảy thì trước tiên hãy tập cho mình 1 thói quen ăn nói trôi chảy. Nếu não được lưu trữ những dữ liệu về việc ăn nói trôi chảy như: nói chuyện lưu loát, hơi thở đều, tim đập bình thường, tâm lý ổn định thì bạn sẽ là người có khả năng ăn nói trôi chảy trong các tình huống.
Thứ 3, để chúng ta có thể phát ra lời nói, trước tiên Não sẽ phụ trách hoạt động phân tích và suy nghĩ những nội dung cần phải nói, lúc này Não có thể lấy thông tin tương ứng từ kho thông tin mà chúng ta đã lưu trước đó – quá trình này diễn ra rất nhanh, sau đó cơ quan phát âm sẽ nhận lệnh và phát ra tiếng nói. Nếu Não và cơ quan phát âm kết hợp ăn ý sẽ giúp chúng ta có thể nói đúng những gì mà mình mong muốn.
Để chúng ta có thể nói ra đúng những gì mà mình suy nghĩ, hay trang bị cho mình 1 tâm lý tự tin thoải mái, đồng thời phải luyện tập giao tiếp thường xuyên để não chúng ta có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm hơn trong các tình huống.
Ngoài ra, não còn là cơ quan chính của hệ thần kinh, não quản lý hầu hết các hoạt động khác của cơ thể. Vì vậy hãy bảo vệ và không ngừng nâng cao khả năng hoạt động của Bộ não mình bằng cách: đọc nhiều sách, tích cực tiếp thu những kiến thức mới, sắp xếp thời gian sinh hoạt hợp lý. Đồng thời đừng quên bổ sung nhiều thực phẩm dinh dưỡng, đặc biệt là hải sản để tốt hơn cho não bộ của mình, các bạn nhé.